Wednesday, April 6, 2011

Diễn Tiến Phiên Toà Xử Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

LS Trần Đình Triển: “Phiên tòa có một không hai”

2011-04-04
Phiên tòa xét xử TS. Cù Huy Hà Vũ hôm nay (4/4), theo quan điểm của gia đình TS. Cù Huy Hà Vũ và những luật sư bào chữa, là một phiên tòa vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đó chính là lý do các luật sư bào chữa tuyên bố không tiếp tục tham gia bào chữa ngay giữa trong lúc diễn ra phiên tòa. Khánh An có bài tường trình sau.

Vi phạm nguyên tắc tố tụng

Theo LS. Trần Đình Triển, vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ ngay từ đầu đã có những vi phạm về nguyên tắc trong tố tụng về thu thập và đánh giá chứng cứ. Vì vậy, trong phiên tòa, các luật sư bào chữa bao gồm LS. Trần Đình Triển, LS. Trần Vũ Hải, LS. Vương Thị Thanh và LS. Hà Huy Sơn đã yêu cầu chủ tọa đưa ra 10 văn bản được xem là tài liệu căn cứ để kết tội ông Cù Huy Hà Vũ. Tuy nhiên, yêu cần này đã không được chấp thuận. Thêm vào đó, LS. Trần Vũ Hải còn bị mời ra khỏi phiên tòa. LS. Trần Vũ Hải cho biết:
Chúng tôi cho rằng như vậy việc bào chữa và tự bào chữa không đảm bảo theo Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự.
LS. Trần Vũ Hải
“Trước phiên tòa, ông Vũ có yêu cầu Viện kiểm sát và Tòa án cung cấp cho ông bản cáo trạng là 10 tài liệu là căn cứ để kết tội ông, bởi vì ông không có. Tại phiên tòa, sau nhiều lần đấu tranh, tòa án cũng cung cấp cho ông bản cáo trạng. Lúc thẩm vấn, chúng tôi vẫn yêu cầu cung cấp 10 tài liệu này bởi vì tài liệu được coi là của ông Vũ, mà theo điều 214 Bộ Luật Tố tụnh hình sự, cần phải công bố các tài liệu đấy để cho mọi người nhận xét, kể cả kiểm sát viên, luật sư, bị cáo. Điều 214 Bộ luật Tố tụng ghi rõ như thế. Chúng tôi cũng có nói và đưa ra giải pháp trong trường hợp mà tòa thấy rằng tài liệu này dài, công bố không thể hết được thì chúng tôi đề xuất rằng cung cấp 10 tài liệu này cho ông (Cù Huy Hà Vũ) để ông xác định trực tiếp rằng tài liệu này đúng là của ông hay không, nhưng tại phiên tòa, chúng tôi đề xuất những tình huống để giải quyết nhưng ông chủ tọa phiên tòa không đồng ý và “mời luật sư Hải ra”. Chúng tôi cho rằng như vậy việc bào chữa và tự bào chữa không đảm bảo theo Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự. Cho nên luật sư chúng tôi, được sự đồng ý của ông Vũ, buộc phải ngưng nhiệm vụ luật sư vì không thể tiếp tục được trong tình trạng như vậy.”

000_Hkg4765472-250.jpg
Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng ngày 4-4-2011. AFP Photo.

Sau khi LS. Trần Vũ Hải bị mời ra khỏi phiên tòa, ba luật sư còn lại tiếp tục yêu cầu tòa phải đưa ra các tài liệu trên vì đây là quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng chính là một trong những cơ sở để các luật sư thực hiện trách nhiệm bào chữa của mình.

LS. Hà Huy Sơn nói:
“Tòa không thực hiện điều 214 Bộ luật Tố tụng hình sự, không công bố các tài liệu của vụ án thì chúng tôi không thể có căn cứ để đánh giá xét xử được. Cho nên chúng tôi phản đối và chúng tôi ra về.”

Vô hiệu hóa LS bào chữa

Ngoài ra, LS. Trần Đình Triển cho biết thêm, các luật sư tuy chính thức được cho phép bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên tòa, thế nhưng họ gần như bị vô hiệu hóa ngay khi chưa kịp thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình:
Nếu anh Vũ có tội thì xử anh Vũ có tội, anh Vũ không có tội thì xử anh Vũ không có tội, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
LS. Trần Đình Triển
“Yêu cầu của chúng tôi đang yêu cầu và đang trong giai đoạn xét hỏi để đánh giá, chưa hỏi được gì cả thì chủ tọa phiên tòa tuyên bố chấm dứt giai đoạn xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng. Tôi có đứng dậy trình bày với vai trò luật sư và bảo: Nếu anh Vũ có tội thì xử anh Vũ có tội, anh Vũ không có tội thì xử anh Vũ không có tội, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng xét xử đã không tuân thủ pháp luật thì chúng tôi tại phiên tòa này không thể tham dự một phiên tòa mà đang vi phạm pháp luật.”
Những dấu hiệu vi phạm pháp luật không chỉ xuất hiện trong phiên tòa mà còn xảy ra bên ngoài TAND thành phố Hà Nội.
Trong khi rất nhiều người dân quan tâm và đến trực tiếp theo dõi phiên tòa được thông báo là công khai, nhiều người đã bị lực lượng công an chìm và những người mặc thường phục khác bắt giữ một cách vô cớ. Trong đó có các nhân vật được quan tâm đặc biệt như Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, LS. Lê Quốc Quân, blogger Paulus Lê Sơn, blogger Cánh Chim Không Mỏi, anh cựu trưởng nhóm SVCG Vinh Nguyễn Văn Tâm và một số người khác.

000_Hkg4765495-250.jpg
TS luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 4-4-2011. AFP PHOTO.

Một người có mặt tại khu vực TAND thành phố Hà Nội vào sáng nay cho biết ngoài việc chặn tất cả những ngả đường, cấm giữ xe và đóng các lối vào bệnh viện xung quanh có thể dẫn đến khu vực tòa án, còn xuất hiện rất nhiều lực lượng công an chìm và những người mặc thường phục khác có nhiệm vụ canh giữ không cho người dân tập trung lại với nhau:

“Những tốp người chỉ cần đi 2, 3 người và có cầm điện thoại thôi là ngay lập tức ở sau đó có ít nhất 1, 2 công an.”
Theo LS. Trần Đình Triển, đối với một phiên tòa công khai, việc tham gia của người dân là đúng theo quy định pháp luật:
“Theo quy định của pháp luật, phiên tòa phải được xét xử công khai. Mà đã là công khai thì mọi người dân đều có quyền tham dự. Đấy là quy định của pháp luật. Nhưng tôi cũng thấy rất làm lạ là bốn ngả đường đều bị ngăn và dân đến thì rất đông. Chúng ta cũng có thể thong cảm là dân đông mà để vào trong một phòng xử án dù là rộng mấy cũng không thể đủ, thì đáng lý ra chúng ta có một cái sân và kéo loa ra cho dân người ta theo dõi phiên tòa. Bởi vì dân theo dõi phiên tòa không chỉ vì để xem được, nó còn có ý nghĩa của phiên tòa là gì? Vừa là trừng trị, vừa là giáo dục phòng ngừa chung, vừa là góp phần nâng cao dân trí để dân hiểu biết pháp luật. Cái ý nghĩa của tòa xử công khai là ở điểm đó. Nhưng ở đây không được tiến hành một cách đầy đủ như vậy mà được ngăn cấm. Còn sự việc xảy ra ở ngoài phiên tòa thì tôi không nắm được, nếu họ (người dân) đến dự phiên tòa mà cố tình gây rối hay họ có những việc không đúng với quy định của pháp luật thì những người bảo vệ có quyền giữ và phải xử lý theo quy định pháp luật nếu họ vi phạm. Còn nếu họ không vi phạm gì, họ đến nghe phiên tòa và họ tuân thủ tất cả những nguyên tắc, luật lệ mà bắt giữ họ thì điều đó lại là sai.”
Hiện nay, các luật sư bào chữa cho TS. Cù Huy Hà Vũ đã đồng ký vào một văn bản kiến nghị về những điểm vi phạm pháp luật của Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội trong phiên tòa ngày 4/4 này.
Được biết, sau khi các luật sư bỏ về trong phiên tòa, TS. Cù Huy Hà Vũ đã tuyên bố không nói gì, không tranh tụng gì thêm và Hội đồng xét xử cứ việc tuyên án.


Tất cả luật sư rời khỏi phiên tòa xử TS Cù Huy Hà Vũ

2011-04-04
Hôm nay, phiên toà xét xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã diễn ra tại TAND thành phố Hà Nội. Bản án dành cho ông Cù Huy Hà vào lúc kết thúc phiên toà là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế tại địa phương với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”.

AFP PHOTO
TS luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 4-4-2011.


Mời quý vị theo dõi thêm thông tin về buổi xét xử này qua bài phỏng vấn của phóng viên Khánh An với LS. Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của TS. Cù Huy Hà Vũ, ngay sau khi bà vừa trở về từ phiên toà:

Bên trong phiên xử

Khánh An:  Thưa chị Dương Hà, chị có thể cho biết là khi chị gặp anh Vũ thì anh Vũ hiện nay là như thế nào, thưa chị?
LS Dương Hà :  À, tôi chỉ được nhìn thôi chớ tôi không được gặp gỡ, theo đúng cái nghĩa gặp gỡ, mà tôi chỉ được nhìn thôi vì tôi không được phép gần anh ấy.
Và bên cạnh tôi luôn luôn có một cô đeo kiếng, người cao to, trẻ, mặc quần áo đồng phục, có đeo một biển số mang số 47. Cô ấy luôn luôn bảo tôi phải ngồi chỗ nào hay phải ngồi chỗ nào, và tôi bảo rằng tôi muốn ngồi chỗ này vì chỗ này trống. Cô ấy bảo phải ngồi chỗ kia chỗ nọ, thì tôi bảo cô không có quyền chỉ bảo cho tôi ngồi đâu. Đây là phiên tòa xét xử công khai cho nên chỗ nào trống thì tôi ngồi.
Thế thì lúc bấy giờ cổ tuyên bố luôn là cổ được giao cái quyền theo dõi tôi, tôi mới với cô ấy luôn rằng tôi không có phạm tội gì hết, tôi vào đây vì hôm nay là phiên tòa xét xử chồng tôi mà là phiên tòa xét xử công khai cho nên tôi được quyền vào đây thì tôi muốn ngồi chỗ nào mà không ảnh hưởng đến ai thì tôi ngồi. Sau đó thì cổ chấp nhận ngồi sau lung tôi.
Khánh An:  Vâng. Và trong suốt phiên xử đó, được biết rằng giữa trưa có nghỉ trưa và những người tham dự phiên tòa không được phép ra ngoài phải không?
LS Dương Hà:  Tôi xin trả lời là không được nghỉ trưa, làm một mạch cho đến gần 2 giờ chứ không phải là được nghỉ trưa, mà có 2 lần thì đấy là người ta nghị án chứ không phải là nghỉ trưa, cho nên mọi người không có gì nói là được nghỉ cả, mà cũng chẳng có gì như là nước cũng không có, không có gì cả.

CuHuyHaVu04042011-305.jpg
Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng ngày 4-4-2011.

Thậm chí trong lúc nói thì ông TS Cù Huy Hà Vũ, chồng tôi đấy, ông ấy rất là khát nước thì ông ấy nhìn thấy trên Hội đồng Xét xử được uống nước cam, ông chủ tọa phiên tòa được uống nước cam, thì ông ấy nói là “Tôi rất là khát, tôi khản cổ lắm, tôi yêu cầu cho tôi uống nước”.
Và lúc bấy giờ ông chủ tọa phiên tòa thấy cái việc xin uống nước của ông Vũ là chính đáng nên ông ấy đã cho người lấy nước cho ông Vũ uống.
Lúc ấy là 10 giờ 10 phút đúng chồng tôi nói là anh ấy rất mệt, anh ấy bảo là “Tôi  hơi bị đau tim, cho nghỉ một chút.” Thì ông Chính, chủ tọa phiên tòa có nói là “Nói đi, nói đi”, và chúng tôi bắt buộc phải nói cho nên không có một tí tẹo nào được nghỉ cả.
Khánh An:  Theo như chị quan sát bên ngoài thì tình hình sức khỏe anh Vũ hiện nay thì như thế nào?
LS Dương Hà:  Thưa chị, nhìn bên ngoài khó có thể đoán được, nhưng mà có một điều khẳng định là cả phiên tòa đều nghe thấy chồng tôi nói là “Tôi đang bị đau tim”, và đặc biệt là anh ấy rất là phấn chấn trong việc tự bào chữa cho mình, bởi vì lúc mà không còn luật sư nào trong phiên tòa nữa thì anh tự bào chữa, cho nên mình khó có thể đoán được sức khỏe của anh ấy như thế nào.

Luật sư phản đối

Khánh An:  Vâng. Chị có vừa nói là đến lúc không còn luật sư nào ở trong phiên tòa nữa, điều này là như thế nào ạ? Được biết là có rất nhiều luật sư tham gia mà?
LS Dương Hà:  Vâng. Có tới 4 luật sư thật sự, thế nhưng khi mà chủ tọa phiên tòa điều hành phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa đã vi phạm điều 214 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự nên các luật sư đã phản đối. Họ yêu cầu là các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét xử đều phải được công bố tại phiên tòa.
Luật Sư Trần Vũ Hải yêu cầu như vậy thì ông chủ tọa phiên tòa không bằng lòng, cho nên ông Trần Vũ Hải đứng lên và kiên quyết đòi. Lúc bấy giờ ông chủ tọa phiên tòa nói rằng ông LS Trần Vũ Hải đã vi phạm nên yêu cầu công an đuổi ông ra khỏi phiên tòa.
Sau đó còn lại có 3 luật sư là LS Hà Huy Sơn, LS Trần Đình Triển và LS Vương Thị Thanh thì 3 luật sư này cũng kiên quyết yêu cầu ông chủ tọa phải thực hiên tiết 2 của điều 214 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.
Vì chủ tọa phiên tòa không thực hiện nghĩa vụ ấy nên 3 luật sư kia đã kiên quyết phản đối bằng cách bỏ phiên tòa ra về, không ở lại làm luật sư cho ông Vũ nữa. Chính vì vậy mà ông Vũ đã phải tự bào chữa.
Khánh An:  Dạ vâng. Nếu mà nói về khía cạnh pháp lý đó thưa chị, khi mà các luật sư bỏ đi như thế, theo pháp luật thì sẽ phải xử như thế nào trước tình trạng như vậy?
LS Dương Hà:  Thưa chị, có 2 vấn đề. Cái việc bỏ đi của các luật sư mà không có lý do thì luật sư đã vi phạm; nhưng mà nếu các yêu cầu, các đòi hỏi của luật sư là chính đáng, yêu cầu ông thẩm phán thực hiện cái nghĩa vụ làm chủ tọa phiên tòa của mình mà ông ấy lại không làm thì việc này là sai, là lỗi ở ông chủ tọa phiên tòa.
Cho nên khi các luật sư phản đối và bỏ ra về, tôi nghĩ  rằng vì lỗi của ông chủ tọa phiên tòa cho nên bản thân buổi xét xử ngày hôm nay không có giá trị pháp luật, vì là bản thân chủ tọa phiên tòa vi phạm luật tố tụng, tức là vi phạm pháp luật, cho nên bản án của ông ấy nó không còn khách quan nữa.
Cho nên theo tôi phiên tòa này đã vi phạm pháp luật, các luật sư không có lỗi gì hết mà lối ấy thuộc về thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính.

Phiên tòa dàn dựng?

Khánh An:  Dạ vâng. Như thế thì sau phiên tòa này gia đình chị cũng như các luật sư sẽ làm điều gì để mà phản đối cái kết quả của vụ án này?
LS Dương Hà: Theo như tôi được biết thì cả 4 luật sư đều đồng lòng viết một kiến nghị về việc Hội Đồng Xét Xử phiên tòa xử sơ thẩm ngày 4 tháng 4 năm 2011 tại Tòa Án Nhân Dân TP Hà Nội vi phạm luật tố tụng hình sự, thì tôi nghĩ là các luật sư đã kiến nghị, các luật sư sẽ phải làm những điều mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ của mình, đó là ông Cù Huy Hà Vũ.
Khánh An:  Dạ vâng. Ngoài các điều chi nói đến diễn ra trong phiên tòa thì chị có thể cho biết thêm là có những biểu hiện gì mà chị xem là nó không hợp lý và không hợp pháp nữa không ạ?
LS Dương Hà:  Có rất nhiều. Đó là ngay khi khởi đầu phiên tòa thì các luật sư có yêu cầu là phải có những người vị hại, phải có những người mà có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan tới vụ án phải được triệu tập thì đều là không có.
Đấy là yêu cầu của luật sư, còn yêu cầu của TS Cù Huy Hà Vũ thì ông ấy có nói là ông muốn thay đổi toàn bộ hội đồng xét xử bởi vì trong cáo trạng của ông luôn luôn buộc tội ông đòi xóa bỏ Điều 4, đòi xóa bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng, vân vân, là tất cả hội đồng xét xử đều là những người đảng viên thì ông ấy nghĩ rằng, ông ấy hiểu rằng, và ông ấy cho rằng những người đảng viên mà ngồi để xử phiên tòa này với ông về vấn đề đảng, về vấn đề Điều 4 thì sẽ không khách quan, cho nên ông ấy yêu cầu là thay đổi toàn bộ cả hội đồng xét xử.
Sau một hồi thảo luận nói là 15-20 phút nhưng thực ra là cả nửa tiếng thì Hội Đồng Xét Xử kiên quyết là không thay đổi, cho nên ông Vũ nghĩ rằng việc không thay đổi đó là sẽ không công minh đối với ông trong phiên tòa xét xử ngày hôm nay.
Và ông ấy cũng yêu cầu đặc biệt là thay đổi ông Hiếu, là người giữ quyền công tố ngày hôn nay, bởi vì bản thân ông Hiếu và ông Vũ đã có vấn đề là ông Vũ đã từng tố cáo ông Hiếu về một vấn đề khác liên quan tới một vụ án khác.
Cho nên tôi thấy cái việc tố tụng ngày hôm nay có thể nói là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, về pháp luật.
Khánh An:  Và bây giờ Khánh An muốn hỏi chị với tư cách là một người vợ, khi chị gặp lại anh Vũ trong một tình trạng bị kiềm kẹp như thế thì bản thân chị có suy nghĩ như thế nào ạ?
LS Dương Hà:  Thứ nhất tôi phải nói là tôi rất đau xót bởi vì tôi khẳng định là chồng tôi không có tội, mà tôi lại là luật sư của chồng, tôi được quyền bảo vệ chồng, vậy mà cái quyền của tôi lại bị tước đi một cách bất hợp pháp bởi ông thẩm phán Nguyễn Hữu Chính của Tòa Án Nhân Dân Hà Nội, là người đã cấp cho tôi cái giấy chứng nhận là người bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ. Cho nên tôi rất là đau xót.
Ngay cái chuyện bị tước quyền làm bào chữa cho chồng thì đó cũng là một vi phạm, vì biết rõ rằng chồng mình không có tội mà lại bị xích tay, vì khi tôi vào thì thấy chồng tôi đang bị còng số 8 ngồi trước vành móng ngựa thì lòng tôi rất là xót xa.
Cũng như chồng tôi nói “Đây là vụ án mà tôi biết rằng đây là vụ án dàn dựng lên để chống lại tôi” cho nên tôi rất là xót xa và đau lòng, tôi rất buồn bởi vì thực chất mà nói nếu hành xử theo đúng pháp luật thì chồng tôi hoàn toàn không có tội, mà thậm chí lại có công trong việc bảo vệ pháp luật, luôn luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chính quyền, cho nhân dân, cho tổ quốc, cho nên tôi rất là xót xa, rất là đau long trước việc chồng tôi bị đối xử như vậy. 
Họ chống lại chồng tôi vì chồng tôi quá yêu nước, quá thương dân.
Khánh An:  Dạ vâng. Khánh An cảm ơn chị rất là nhiều đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.

No comments:

Post a Comment